Phường 11: Tổ chức Lễ Lạc thành an vị Miếu liệt sĩ Mậu Thân 1968
Ngày đăng: 30/7/2020
“Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền”, nay là Phường 11, quận Tân Bình là nơi che dấu, nuôi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ, lực lượng cách mạng, cất dấu khí tài, lương thực, thuốc men để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Trong đợt 2 Mậu Thân (diễn ra từ ngày 05/5/1968 – 15/6/1968), nhiều chiến sĩ quân giải phóng đã hi sinh tại đất Bảy Hiền này. Với tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng kiên trung, Nhân dân Bảy Hiền đã lập Miếu thờ để mãi mãi tri ân những người con đã chiến đấu hi sinh vì Độc lập – Tự do, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Hiện nay, qua lời kể của nhân chứng, có 04 chiến sĩ quân giải phóng đã hi sinh ở khu vực này.
Những ngày đầu, Miếu được người dân làm tử ván thùng đựng sợi tơ, dùng lon sữa bò để cắm hương, sau nâng cấp bằng gạch và xi măng. Lính chế độ cũ đập phá nhiều lần nhưng người dân vẫn quyết tâm dựng lại. Cuối cùng, ngôi Miếu thờ các chiến sĩ giải phóng hiên ngang tồn tại và được người dân hương khói đầy đủ.
Sau ngày giải phóng, qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, Miếu thờ các liệt sĩ hi sinh năm Mậu Thân 1968 được đàng hoàng, trang trọng hơn.
Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), Hội Cựu chiến binh Phường 11 tổ chức Lễ Lạc thành an vị Miếu liệt sĩ Mậu Thân 1968 tại số 80 Võ Thành Trang, Phường 11. Kinh phí trùng tu gần 21.000.000 đồng; số tiền trên Hội Cựu chiến binh phường vận động trong hội viên CCB và thành viên CLB có tâm huyết tự nguyện đóng góp.
Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực, là nơi tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và là công trình văn hóa – lịch sử mang đậm giá trị nhân văn của Nhân dân Phường 11, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, góp phần phát huy truyền thống “Vũng lõm chính trị - Căn cứ cách mạng Bảy Hiền”, giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời thực hiện chủ đề năm 2020 của thành phố: “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Bùi Văn Hoàn