Chùa Giác Lâm
Từ khi thành lập đến nay, chùa đã trải qua 4 lần trùng tu lớn vào các năm 1798 – 1804, 1900 – 1909, 1939 – 1945, 1992 – 1994. Năm 1953, đại đức Narada từ Sri-Lanka sang Việt Nam và tặng cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền (đặt tại chùa Giác Lâm) một cây bồ đề và một viên ngọc Xá Lợi Phật. Trong lần trùng tu thứ ba giai đoạn 1939 – 1945, các họa tiết trang trí được đắp trên tường chùa, trên tháp tổ bằng gốm sứ được đặt làm từ lò gốm sứ ở Bình Dương.
Trước chùa có cổng nhị quan. Vườn chùa có 38 tháp thờ các vị tăng sĩ các nơi và khu tháp các vị tổ trong chùa. Mái chùa có dạng bánh ít, là đặc trưng của các chùa cổ Nam bộ. Cấu trúc mặt bằng dạng chữ “tam” với 98 cột bằng gỗ quý. Bên trong bài trí 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít, 5 pho tượng bằng đồng, 86 câu đối chữ Hán được chạm khắc trên các cột hoặc các liễn. Ngoài hệ thống bao lam và hoành phi được chạm lộng công phu, năm 1997, chùa được bổ sung 14 bao lam do nhóm thợ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp chạm. Đặc biệt là 2 bộ tượng la hán bằng gỗ thép vàng, bộ nhỏ có niên đại thế kỉ 18, bộ lớn có niên đại thế kỉ 19.
Cách bài trí các tượng thờ trong chính điện được đánh giá là tiêu biểu cho các chùa ở Nam Bộ gồm: bộ Di Đà Tam Tôn – đặt trên cùng chính điện theo chiều ngang; bộ Tam Thế Phật – đặt theo chiều dọc; bộ La Hán, bộ Thập điện và bộ tượng 5 vị gồm 1 vị Phật và 4 vị Bồ Tát (Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền), đặt tại bàn Tam Bảo, bàn dưới cùng của chính điện. Bộ tượng 5 vị độc đáo ở chỗ được tạc dưới dạng “thượng kỳ thú” (ngồi trên mình thú), tay bắt ấn, tay cầm bửu bối, đặt thờ trong tư thế hoằng hóa, thuyết pháp độ chúng sinh, không phải trong thế tham thiền nhập định. Các vị bồ tát được mô tả gần gũi với người phàm, tóc tết, đặt tại bàn Tam Bảo là bàn thấp nhất và gần với Phật tử nhất.
Chùa còn lưu giữ nhiều sách cổ tạng bản và trùng khắc kinh sách Phật giáo. Trong thế kỷ 19, chùa Giác Lâm đã là một học viện, học xá. Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là cơ sở của cách mạng, nơi hội họp và nuôi giấu cán bộ. Ngày nay, chùa là nơi tiến hành lễ giỗ lớn cho các vị tổ của phái Lâm Tế và thường xuyên mở lớp Thọ bát quan trai vào mỗi chủ nhật.
Chùa Giác Lâm là ngôi chùa cổ nhất ở Thành Phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1288 - VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Hiện nay Chùa Giác Lâm đang tọa lạc tại số 118 Lạc Long Quận, phường 10, quận Tân Bình, tp. Hồ Chí Minh.
-----------------------------------